
Một đại diện từ hệ thống bán lẻ CellphoneS cho biết: “Học sinh - sinh viên hiện đóng vai trò là người quyết định chính trong việc chọn mua laptop. Họ tìm kiếm những mẫu máy nhẹ để tiện mang theo, đủ pin dùng một ngày và bắt đầu đặt câu hỏi về việc laptop có hỗ trợ AI hay không.”
Sự hiện diện ngày càng rõ của laptop AI
Khái niệm laptop tích hợp AI không còn xa lạ trong năm 2025, khi nhiều mẫu máy mới được trang bị NPU - bộ xử lý chuyên dụng cho các tác vụ AI như nhận diện giọng nói, tóm tắt văn bản, chỉnh sửa hình ảnh, dịch nội dung. Đây là những tính năng được đánh giá có tiềm năng hỗ trợ học tập và xử lý cá nhân tốt hơn, dù không phải ai cũng sử dụng ngay từ đầu. Ngoài ra, laptop AI do dựa trên nền tảng phần cứng mới nên cũng có hiệu năng, thời lượng pin và bảo mật tốt hơn.
Dữ liệu từ IDC khu vực châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận khoảng 65% người dùng sẵn sàng chi thêm để sở hữu laptop hỗ trợ AI, trong đó nhóm sinh viên chiếm tỷ lệ lớn. Tuy nhiên, theo quan sát thực tế tại Việt Nam, việc người dùng lựa chọn các mẫu laptop AI phần lớn xuất phát từ lý do hiệu năng tổng thể và khả năng sử dụng lâu dài, hơn là vì cần dùng ngay các tính năng AI.

ASUS là một trong những hãng tiên phong đưa các dòng Copilot+ PC - chuẩn laptop tích hợp AI theo định nghĩa của Microsoft - về thị trường Việt Nam. Tính đến tháng 6/2025, thương hiệu này đã ra mắt nhiều mẫu máy trải dài từ phân khúc phổ thông đến cao cấp, sử dụng nền tảng phần cứng từ Qualcomm, Intel và AMD.
Ông Eric Lee - Tổng giám đốc ASUS khu vực Đông Nam Á - cho biết: “Chúng tôi đang nhận thấy sự chuyển dịch rõ rệt tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là ở Việt Nam, khi laptop tích hợp AI bắt đầu thu hút sự quan tâm thực sự, nhất là ở phân khúc cao cấp". Theo số liệu được chia sẻ, thị phần laptop AI chạy Windows đã tăng 5 lần kể từ khi lần đầu xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 7/2024.
ASUS cũng triển khai không gian trải nghiệm mang tên ASUS AI Innovation Hub tại nhiều điểm bán lẻ lớn để người dùng có thể thử trực tiếp các dòng laptop mới tích hợp AI và được tư vấn rõ hơn về sự khác biệt so với laptop truyền thống.
.png)
Ở chiều ngược lại, nhiều phụ huynh - người chi trả cho thiết bị - vẫn đặt nặng các tiêu chí truyền thống hơn là tính năng mới. Đại diện CellphoneS chia sẻ: “Phụ huynh thường hỏi nhiều về chính sách bảo hành, độ bền sản phẩm hơn là các công nghệ mới như AI. Với họ, laptop vẫn là khoản đầu tư cần chắc chắn.”
Thực tế này cho thấy khoảng cách giữa nhu cầu của người dùng trẻ và tiêu chí lựa chọn của người trả tiền vẫn tồn tại. Do đó, việc thuyết phục phụ huynh bằng các yếu tố dễ đo lường như thời gian sử dụng pin, khả năng chống va đập, dịch vụ sau bán hàng… vẫn là hướng tiếp cận quen thuộc tại điểm bán.
Cân bằng giữa nhu cầu hiện tại và chuẩn bị cho tương lai
Laptop AI hiện tại chưa tạo ra khác biệt quá rõ trong trải nghiệm hằng ngày nếu chỉ dùng cho tác vụ cơ bản. Tuy nhiên, với xu hướng phát triển phần mềm ngày càng tích hợp nhiều AI hơn, việc sở hữu thiết bị có kiến trúc sẵn sàng cho tương lai được xem là hợp lý nếu người dùng có kế hoạch sử dụng lâu dài.

Một số thương hiệu đã mở không gian trải nghiệm tại các thành phố lớn để người dùng thử trực tiếp các dòng laptop mới, qua đó hình dung rõ hơn sự khác biệt giữa laptop truyền thống và laptop tích hợp AI. Dù chưa thể khẳng định AI là yếu tố quyết định khi chọn mua, nhưng mức độ quan tâm đang dần tăng lên, đặc biệt ở nhóm người dùng GenZ - vốn nhạy với công nghệ mới và thích tìm hiểu trước khi mua.