Tin tức

Intel: AI sẽ đột phá trong thập kỷ tới, đòi hỏi "bộ não" phải mạnh

2069
Để có thể triển khai AI thành công, chúng ta cần phải giải quyết được những đòi hỏi phức tạp về công nghệ điện toán.
 
AI phủ sóng khắp nơi

Theo Intel, mặc dù mới chỉ gây sốt trong thời gian gần đây nhưng trí tuệ nhân tạo (AI) không phải công nghệ mới lạ trong lĩnh vực công nghệ. AI đã làm việc cùng con người trong nhiều năm qua, từ việc giảm thiểu lỗi phát sinh trong quá trình sản xuất cho đến hỗ trợ người dùng có những bức ảnh đẹp hơn khi chụp bằng điện thoại,...
Trong vài tháng trở lại đây, trí tuệ nhân tạo phủ sóng trên khắp các kênh truyền thông toàn cầu sau sự xuất hiện của ChatGPT. Đó là một ứng dụng AI tạo sinh sử dụng một lượng lớn dữ liệu nó thu thập được để phát triển những nội dung gần giống với cách con người trao đổi và sáng tạo.

Chính đợt sóng AI này đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp tìm kiếm phương án để tăng cường khả năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Dựa trên tình hình thực tế, AI hiện nay không còn đơn thuần là những trợ lý giọng nói đơn thuần nữa. Công nghệ này đã và đang ngày càng phản hồi tốt hơn và có thể giúp chúng ta thực hiện nhiều công việc khác nhau như lập trình một trang web, hay sáng tạo những tác phẩm âm nhạc và nghệ thuật mới.

Theo báo cáo “Chỉ số sẵn sàng về AI của chính phủ 2022” do tổ chức Oxford Insights kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada thực hiện, chỉ số sẵn sàng cho AI của Việt Nam đạt 53,96 trên 100 điểm, vượt qua mức trung bình toàn cầu 44,61 điểm. Báo cáo cho thấy Việt Nam có nhiều tiềm năng trong việc triển khai trí tuệnhân tạo nhằm nắm bắt cơ hội để chuyển đổi và phát triển nền kinh tế.
Vào cuối tháng 6/2023, tại Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo, cơ hội - thách thức và khả năng ứng dụng trong phát triển kinh tế số Thủ đô”, tiến sĩ Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho biết trí tuệ nhân tạo được dự báo sẽ trở thành công nghệ đột phá trong 10 năm tới, vì vậy Việt Nam sẽ tập trung vào phát triển công nghệ AI như một mũi nhọn.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp địa phương đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả công việc. Trong lĩnh vực y tế, VinBigData đã sử dụng AI để trợ giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh tốt hơn. Trong lĩnh vực ngân hàng, nhiều ngân hàng đã ứng dụng AI giúp xác thực thông tin, nhận diện khách hàng thông qua hệ thống eKYC.


AI cần một "bộ não" nâng cấp

Tuy nhiên, để có thể triển khai AI thành công, Intel cho rằng, chúng ta cần phải giải quyết được những đòi hỏi phức tạp về công nghệ điện toán. Điều đó bao gồm điện tử tiêu dùng cho đến vùng biên và đám mây, nhu cầu về công nghệ điện toán sẽ tăng cao khi AI ngày càng phổ biến hơn.

Trong tương lai, các mô hình AI sẽ tăng số lượng dữ liệu sử dụng để tạo ra những phản hồi hữu dụng cho các doanh nghiệp. Do vậy, để vạch ra được hướng đi đúng đắn, các doanh nghiệp phải đánh giá các thách thức hay kết quả kinh doanh mà họ đang muốn giải quyết hay đạt được, để từ đó có thể tận dụng AI hiệu quả về và tiết kiệm với những giải pháp điện toán và phần mềm phù hợp.


Để tận dụng toàn bộ sức mạnh của trí tuệ nhân tạo, chúng ta cần AI chạy theo thời gian thực với độ chính xác cao. Chính vì vậy, điện toán đóng vai trò tiên quyết để mang đến tốc độ và hiệu năng cần thiết để huấn luyện các mô hình, đưa ra quyết định hay dự đoán, nhận diện hình ảnh và giọng nói, và mở rộng hệ thống AI. Chúng ta có thể ví điện toán như “bộ não” giúp các cỗ máy hoạt động hiệu quả và đưa ra quyết định hợp lý cho hành động tiếp theo.

Nhằm bắt kịp sự cải tiến của AI và các thuật toán tiên tiến, “bộ não” cũng cần phải được nâng cấp để có thể khai thác tối đa sức mạnh. Điện toán hiện nay không chỉ có nhiệm vụ tăng tốc hiệu năng của AI mà các giải pháp này còn phải thực hiện điều đó hiệu quả hơn, bảo mật hơn, dễ mở rộng hơn và bền vững hơn. Để đạt được điều này và đưa AI đến với tất cả mọi người, điện toán hỗn hợp (heterogeneous compute) và một hệ sinh thái mở dành cho những loại AI khác nhau đóng vai trò vô cùng quan trọng.
(Theo: nguoiduatin.vn)
 
Chia sẻ:
Bình luận Facebook
Tin nổi bật trong ngày